slider 1slider 2Slider 3

Hỏi đáp

left arrow Hỏi đáp

Câu hỏi: Gia đình đang sử dụng nước máy, tôi thường uống nước đun sôi để nguội. Ở dưới đáy bình đun có lớp cặn màu trắng, cho hỏi cặn trắng đó gọi là gì?

Trả lời:

Thực chất lớp cặn đó do trong nước có hàm lượng cation của Magie và Canxi cao (nước cứng) là hai khoáng chất vô hại, Thông thường thì trong nước luôn chứa đựng những khoáng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, magie, photpho, sắt… Trong đó canxi có một vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển cũng như củng cố hệ thống xương, khớp trong cơ thể.

 

Nước máy đến người tiêu dùng luôn đạt tiêu chuẩn (< 300mg/l), do đó nồng độ của những nguyên tố vi lượng này nằm ở một mức độ cho phép và an toàn với người sử dụng.

 

Câu hỏi: Tôi cảm thấy hoang mang khi đọc báo thấy việc khử trùng nước đối với nguồn nước mặt ô nhiễm như hiện nay có thể sinh THMs gây ung thư. Xin cho biết rõ hơn về trường hợp này ?

Trả lời:

(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)

 

Việc khử trùng nước đối với nguồn nước mặt ô nhiễm sẽ tạo các sản phẩm phụ trong đó có THMs gây ung thư. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm hữu cơ hiện nay chưa đến mức nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hàm lượng THMs trong nước máy được giám sát thường xuyên tại Nhà máy nước và Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM. Hiện nay nồng độ THMs vẫn nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống.

 

Câu hỏi: Ảnh hưởng đến sức khỏe của chlor dư trong nước ăn uống?

Trả lời:

Các nghiên cứu trên động vật và trên người cho thấy độc tố của Chlor là rất thấp. Những nghiên cứu trên động vật không thể xác định được hàm lượng Chlor giới hạn có khả năng gây những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe ngoài vấn đề về mùi và vị đặc trưng của Chlor.

 

Câu hỏi: Làm thế nào để loại bỏ hết mùi chlor có trong nước cấp?

Trả lời:

Nếu thấy nước của gia đình nặng mùi Chlor, để giảm mùi Chlor trước khi sử dụng bằng cách đơn giản như sau: Đun sôi (dùng ăn uống) hoặc chứa nước vào phương tiện lưu trữ nước của gia đình trong một khoảng thời gian ngắn (khoảng vài giờ) để chlor bay hơi hết. Ngoài ra có thể dùng các cột lọc than hoạt tính để loại bỏ mùi Chlor.

 

Câu hỏi: Nồng độ Chlor dư cho phép trong nước cấp là bao nhiêu?

Trả lời:

Theo Tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ Chlor dư trong nước ≤ 5 mg/L. Với nồng độ này có thể đảm bảo ngăn chặn sự phát triển trở lại của các vi khuẩn gây bệnh mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Ngoài ra, tiêu chuẩn quy định của một số quốc gia như: Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore,… nồng độ Chlor dư nằm trong khoảng 0.1 ÷ 2 mg/L.

 

Câu hỏi: Tại sao phải thêm Chlor vào nước máy?

Trả lời:

Việc châm Chlor là hoàn toàn cần thiết để nước uống được an toàn và không chứa các vi khuẩn có hại, có khả năng gây bệnh. Chlor là một chất khử trùng rất hiệu quả, nó đã được sử dụng trong hơn 100 năm qua. Các công trình xử lý nước cấp bổ sung một lượng nhỏ Chlor để khử trùng tối đa trước khi nước đến nhà người dân.

 

Câu hỏi: Tại sao phải khử trùng nước – Cơ chế?

Trả lời:

Khử trùng nước có nghĩa là loại bỏ hoặc giết chết các vi sinh vật gây bệnh. Vi sinh vật sẽ bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động, từ đó sẽ chấm dứt sự tăng trưởng và sinh sản.

 

Khử trùng xảy ra trên cơ chế: Các thành tế bào của vi sinh vật bị ăn mòn hoặc thay đổi tính thấm qua màng, hoặc thay đổi hoạt động của enzym. Những thay đổi trong tế bào của vi sinh vật là nguyên nhân làm vi sinh vật không thể nhân rộng và chết dần. Quá trình oxy hóa do chất khử trùng gây ra sẽ phá hủy các chất hữu cơ trong nước từ đó gây thiếu nguồn thức ăn cho vi sinh vật cũng là nguyên nhân gián tiếp tiêu diệt chúng.

 

Câu hỏi: Nguyên nhân dẫn đến nước có màu sắc lạ?

Trả lời:

Sự thay đổi màu của nước chủ yếu là do ảnh hưởng từ đường ống sử dụng lâu ngày. Sự đổi màu của nước có thể là do sử dụng một vòi nước không đúng cách, lắp đặt đường ống mới, hoặc tắt nước tại một số khu vực địa phương để bảo trì hệ thống sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong dòng nước. Hệ thống ống nước tại gia đình cũng có thể là nguyên nhân gây ra sự đổi màu của nước. Vấn đề trên dù ảnh hưởng tới vấn đề cảm quan tuy nhiên không gây hại cho sức khỏe.

 

Câu hỏi: Tại sao nước có mùi hay vị lạ?

Trả lời:

(Nguồn: http://www.waterwise.co.za/site/water/faq/tap-water.html)

 

Nước có mùi vị lạ là do trong nước có chứa 1 số chất, thành phần hóa học gây phản ứng sinh mùi, hoặc do vi sinh vật hoạt động trong nước gây mùi ... và các mùi thường có trong nước có thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:

 

- Mùi chlor (mùi nước Javen) do các nhà máy xử lý nước sử dụng hóa chất chlor để khử trùng nước.

 

- Thay đổi theo mùa.

 

- Sự thay đổi trong nguồn cung cấp nước.

 

- Di chuyển từ vùng này sang vùng khác.

 

- Hệ thống ống nước.

 

 Vấn đề mùi và vị trong nước đã qua xử lý là vấn đề cảm quan, tuy nhiên thật sự không có hại cho sức khỏe, chúng tôi đang từng ngày hoàn thiện hơn hệ thống xử lý để đảm bảo chất lượng nước cấp được tốt nhất.

 

Câu hỏi: Chỉ tiêu Asen vượt chuẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng như thế nào?

Trả lời:

(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)

 

Asen trong nước cao có thể gây ngộ độc. Ngoài ra, Asen trong nước còn tích tụ trong cơ thể, gây tổn hại đến gan, tủy xương, tế bào thần kinh và gây ung thư.

 

Câu hỏi: Chỉ tiêu vi sinh không đạt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng như thế nào?

Trả lời:

(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)

 

Vi sinh: Nước nhiễm vi sinh (E.Coli và Coliforms) do nước thải thấm vào mạch nước ngầm, do nước từ trên mặt đất chảy tràn xuống giếng hoặc do quá trình lưu chứa nước chưa đảm bảo vệ sinh. E.Coli và Coliforms là những nhóm vi khuẩn định danh, khi chúng hiện diện trong nước chứng tỏ nguồn nước đã bị nhiễm phân người hoặc phân súc vật, và có thể dẫn đến việc nguồn nước có thể nhiễm những vi khuẩn đường ruột khác (tả, lỵ thương hàn…). Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm khuẩn huyết...

 

Câu hỏi: Chế độ giám sát chất lượng nước cấp của Sawaco như thế nào?

Trả lời:

Đối với nước nguồn: 01 tháng/lần tuần tra trên sông bằng cano, lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chuẩn nước mặt; Ghi nhận các điểm phát sinh nguy cơ ô nhiễm cho nguồn nước sông và tiến hành các biện phát khắc phục, phòng ngừa.

 

Tại các nhà máy nước: kiểm tra chất lượng nước hàng giờ và thực hiện giám sát chất lượng nước 01 tuần/lần theo Thông tư 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y Tế quy định kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt tại 03 vị trí (Điểm lấy nước trước khi bơm ra nhà máy, chọn ngẫu nhiên 01 điểm giữa và 01 điểm cuối mạng lưới cấp nước). Ngoài ra, lấy thêm 01 mẫu bổ sung  trong mạng lưới đường ống phân phối đối với cơ sở cung cấp nước tập trung cho từ 100.000 dân trở lên và cứ thêm 100.000 dân sẽ lấy thêm 01 mẫu để xét nghiệm. Mẫu này sẽ được phân tích tại phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005 của Phòng Quản lý Chất lượng nước (thuộc Tổng Công ty). Ngoài ra, Trung tâm Y tế Dự phòng thực hiện ngoại kiểm độc lập với tần suất 01 tuần/lần theo nội dung đã qui định trong Thông tư 50/2015/TT-BYT.

 

Câu hỏi: Những loại hóa chất nào được cho vào trong nước?

Trả lời:

Trong suốt quá trình xử lý, Nhôm Sulfate (phèn Nhôm) và polymer được thêm vào nước để xử lý. Tại một số Nhà máy nước sử dụng PAC làm chất keo tụ tạo bông. Những hóa chất này liên kết với các thành phần chất lạ trong nước tạo thành các bông cặn và được loại bỏ bởi hệ thống lắng và lọc của quá trình xử lý. Sau khi lọc, florua được thêm vào nhằm đạt yêu cầu về fluoride do nhà nước quy định. Cuối cùng, chất khử trùng được thêm vào để bảo vệ nước uống khỏi các vi sinh vật có khả năng gây bệnh. Tất cả các hóa chất được thêm vào đều được kiểm tra chặt chẽ và đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam và Thế giới về hóa chất dùng cho xử lý nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt.

 

Câu hỏi: Thế nào là nước đạt tiêu chuẩn?

Trả lời:

Nước đạt tiêu chuẩn ăn uống là nước có các thành phần chỉ tiêu chất lượng nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế qui định, tiêu chuẩn này áp dụng cho các đơn vị cung cấp nước có công suất từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên.

 

Nước đạt tiêu chuẩn sinh hoạt là nước có các thành phần chỉ tiêu chất lượng nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế qui định, tiêu chuẩn này áp dụng cho các đơn vị cung cấp nước có công suất dưới 1.000 m3/ngày đêm.

 

Câu hỏi: Nước uống có được bảo vệ khỏi bị nhiễm bẩn?

Trả lời:

Chúng tôi luôn giám sát chất lượng nguồn nước trước khi vào hệ thống xử lý của các Nhà máy nước. Nguồn nước đầu nguồn là rất lớn (chủ yếu là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai), do đó các sự cố môi trường (như tràn dầu, …) hoặc do yếu tố tự nhiên đều có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, khi có một sự cố môi trường xảy ra, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý để kịp thời khắc phục tình hình để sự cố không ảnh hưởng đến chất lượng nước sau xử lý.

 

Câu hỏi: Tôi được biết nguồn nước máy hiện nay được xử lý từ nước sông. Nước sông ngày càng ô nhiễm có ảnh hưởng gì đến chất lượng nước máy không ?

Trả lời:

Nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm do những hoạt động xả thải chưa được quản lý tốt như nước thải công nghiệp, nước thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt… Tuy nhiên, nguồn nước này được giám sát thường xuyên bởi cơ quan chức năng và hiện tại, chất lượng nước sông vẫn đạt tiêu chuẩn cho mục đích cấp nước.

 

Bên cạnh đó, các nhà máy nước hiện nay được trang bị công nghệ xử lý nước hiện đại, xử lý tốt các chất ô nhiễm cho nước đầu ra luôn đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra các nhà máy nước cũng được trang bị hệ thống giám sát, cảnh báo sớm chất lượng nước trên sông và sẵn có các phương án ứng phó kịp thời khi có sự cố ô nhiễm trên sông.

 

Câu hỏi: Phải làm gì để bảo vệ nguồn nước?

Trả lời:

Có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh: rác thải, nước thải được thu gom đúng nơi quy định; không thải chất thải bừa bãi ra môi trường xung quanh; không thải các chất độc hại ra môi trường (thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, nước thải công nghiệp…).

 

Không thải bỏ tự do bất cứ vật gì xuống dòng nước, tiết kiệm nước và sẵn sàng tham gia vào các quy định của địa phương về bảo vệ đất, nước và môi trường.

 

Nước ngầm là nguồn nước dự phòng rất hữu hiệu khi có sự cố về môi trường nước mặt, do đó không khai thác nước ngầm bừa bãi, bảo vệ nguồn tài nguyên nước và để tránh sụt lún do cạn kiệt tầng nước ngầm.

 

Câu hỏi:

Chỉ tiêu amoni vượt chuẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng như thế nào?

 

Trả lời:

(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)

 

Amoni: Nước có hàm lượng amoni cao biểu thị nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ (nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi…). Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit. Nitrat và Nitrit khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nên hiện tượng methemoglobin (thiếu ô-xy trong máu), đặc biệt là khi kết hợp với các axit amin trong cơ thể còn tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.

 

Câu hỏi:

Chỉ tiêu sắt tổng (nhiễm phèn) vượt chuẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng như thế nào?

 

Trả lời:

Sắt: Trong cơ thể người, sắt là thành phần nguyên tố liên kết các tổ hợp hem và protein tạo nên hemoglobin và myoglobin giúp chuyên chở oxy, sắt còn tham gia quá trình oxy hóa khử. Về cơ bản, sắt hòa tan trong nước là sắt 2 (Fe2+) sẽ gây cho nước có mùi tanh rất khó chịu. Khi tiếp xúc với không khí thì sắt 2 (Fe2+) sẽ chuyển hóa thành sắt 3 (Fe3+) kết tủa tạo màu đỏ nâu gây mất thẩm mỹ cho nước, làm cho quần áo bị ố vàng, sàn nhà, dụng cụ bị ố màu nâu đỏ. Hơn nữa, khi nước chảy qua đường ống, sắt sẽ lắng cặn gây gỉ sét, tắc nghẽn trong đường ống. Ngoài ra, lượng sắt có nhiều trong nước sẽ làm cho thực phẩm biến chất, thay đổi màu sắc, mùi vị; làm giảm việc tiêu hóa và hấp thu các loại thực phẩm, gây khó tiêu…

 

Câu hỏi: Chỉ tiêu pH không đạt (thấp) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng như thế nào?

Trả lời:

(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM)

 

Độ pH cho biết được tính trung tính của nước, hay nước mang tính a-xít hoặc tính kiềm. Độ pH thấp về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, pH thấp làm tăng tính axit trong nước, làm ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa và tích lũy các ion kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm mau hỏng vải, quần áo khi giặt… Mặt khác, pH thấp còn gây ngứa khi tắm gội, gây hỏng men răng, và có thể tạo điều kiện xuất hiện các bệnh ngoài da.